1. Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hàng hóa:

1.1 Người kinh doanh vận tải hàng hóa có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu người thuê vận tải cung cấp thông tin cần thiết về hàng hóa để ghi vào giấy vận chuyển và có quyền kiểm tra tính xác thực của thông tin đó;

b) Yêu cầu người thuê vận tải thanh toán đủ cước, phí vận tải và chi phí phát sinh; yêu cầu người thuê vận tải bồi thường thiệt hại do vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;
c) Từ chối vận chuyển nếu người thuê vận tải không giao hàng hóa theo thỏa thuận trong hợp đồng;
d) Yêu cầu giám định hàng hóa khi cần thiết.

1.2. Người kinh doanh vận tải hàng hóa có các nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp phương tiện đúng loại, thời gian, địa điểm và giao hàng hóa cho người nhận hàng theo thỏa thuận trong hợp đồng;
b) Hướng dẫn xếp, dỡ hàng hóa trên phương tiện;
c) Bồi thường thiệt hại cho người thuê vận tải do mất mát, hư hỏng hàng hóa xảy ra trong quá trình vận tải từ lúc nhận hàng đến lúc giao hàng, trừ trường hợp miễn bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
d) Bồi thường thiệt hại do người làm công, người đại diện gây ra trong khi thực hiện công việc được người kinh doanh vận tải giao;
đ) Chịu trách nhiệm về hậu quả mà người làm công, người đại diện gây ra do thực hiện yêu cầu của người kinh doanh vận tải trái quy định của Luật này.

2. Quyền và nghĩa vụ của người thuê vận tải hàng hóa:

2.1. Người thuê vận tải hàng hóa có các quyền sau đây:

a) Từ chối xếp hàng hóa lên phương tiện mà phương tiện đó không đúng thỏa thuận trong hợp đồng;
b) Yêu cầu người kinh doanh vận tải giao hàng đúng thời gian, địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng;
c) Yêu cầu người kinh doanh vận tải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2.2. Người thuê vận tải hàng hóa có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ hợp pháp về hàng hóa trước khi giao hàng hóa cho người kinh doanh vận tải như: Hoá đơn bán hàng, Lệnh điều động, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, biên bản bàn giao hàng; đối với hàng hoá xuất nhập khẩu cần có thêm tờ khai hải quan và có dán tem (với những mặt hàng trong "Danh mục hàng hoá nhập khẩu cần phải dán tem") trước khi giao hàng hóa cho người kinh doanh vận tải;; đóng gói hàng hóa đúng quy cách, ghi ký hiệu, mã hiệu hàng hóa đầy đủ, rõ ràng; giao hàng hóa cho người kinh doanh vận tải đúng thời gian, địa điểm và nội dung khác ghi trong giấy gửi hàng (Chi tiết về việc sử dụng hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên đường Quý khách hàng vui lòng tham khảo THÔNG TƯ LIÊN TỊCH Hướng dẫn chế độ sử dụng hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường Số: 94/2003/TTLT/BTC-BTM-BCA);
b) Thanh toán đủ cước, phí vận tải và chi phí phát sinh cho người kinh doanh vận tải hàng hóa;
c) Cử người áp tải hàng hóa trong quá trình vận tải đối với loại hàng hóa bắt buộc phải có người áp tải.

- Đối với hàng hoá nhập khẩu lưu ý những mặt hàng sau phải dán tem nhập khẩu (Theo qui định tại các Thông tư Liên tịch số: 77/1997/TTLT-BTC-BTM-BNV- ngày 01/11/1997; 30/TTLT-BTC-BTM-BNV-TCHQ ngày 16/03/1998;121/1998/TTLT-BTC-BTM-BCA-TCHQ ngày 01/9/1998; 46/1999/TTLT-BTC-BTM-BCA-TCHQ ngày 05/05/1999 của Liên tịch Bộ Tài Chính- Bộ Thương Mại- Bộ Công An(Bộ Nội Vụ)- Tổng cục Hải quan)

Danh mục hàng hoá nhập khẩu cần phải dán tem

- Rượu chai (bao gồm cả hũ, bình).
- Xe đạp nguyên chiếc.
- Quạt điện các loại.
- Máy thu hình nguyên chiếc(cũ và mới).
- Đầu Video nguyên chiếc (cũ và mới).
- Tủ lạnh nguyên chiếc dùng cho gia đình (cũ và mới).
- Máy điều hoà không khí loại lắp vào cửa sổ hoặc lắp vào tường hoạt động độc lập(cũ và mới).
- Động cơ nổ (cũ và mới).
- Sứ vệ sinh: Bệ xí.
- Sứ vệ sinh: Chậu rửa mặt.
- Gạch ốp lát các loại nguyên bao bì bao gồm cả gạch ốp tường và gạch lát nền.
- Máy bơm nước điện các loại.
- Bếp ga các loại.
- Nồi cơm điện các loại.
- Khung xe đạp.
- Phích và ruột nóng lạnh các loại.
- Động cơ nổ cùng với máy công tác thành các máy hoàn chỉnh, đồng bộ.

Bài viết của Công ty CP Vận tải Trường An (cập nhật những thông tin mới nhất từ Luật giao thông đường bộ 2008)